Xác định niên đại và chùa Thiền Chúng Bia Xá Lợi Tháp Minh

Thạc sĩ Phạm Lê Huy, Giảng viên Khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã công bố các kết quả nghiên cứu về minh văn của tấm bia. Văn bia này có nội dung về cơ bản giống với “Nhân Thọ xá lợi tháp” có niên đại 601 đã được phát hiện tại Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, văn bia cổ ở Bắc Ninh vẫn có một số điểm khác biệt so với văn bia phát hiện ở Trung Quốc. Trong văn bia cổ ở Bắc Ninh, dòng đầu tiên ghi chữ “Xá lợi tháp minh”, trong khi đó, một số minh văn phát hiện ở Trung Quốc lại ghi là “Xá lợi tháp hạ minh” hoặc không ghi tiêu đề. Vị trí khắc dòng tiêu đề cũng khác nhau ở từng bia, có cái ghi dòng đầu, có cái ghi dòng cuối. Ngoài ra, trong khi các minh văn khác chỉ có phần chính văn thì ở văn bia cổ ở Bắc Ninh lại có ghi thêm phần chú thích “sắc sứ” là Đại đức Tuệ Nhã pháp sư và Vũ kỵ úy Khương Huy.

Minh văn Thanh Châu (Trung Quốc), ngoài 2 “sắc sứ” là Đại đức Trí Năng và Vũ kỵ úy Lý Đức Kham còn ghi thêm tên 2 người tùy tùng (tòng giả) và 2 viên chức Tư mã và Lục sự tham quân của Thanh châu. Đối chiếu với chiếu thư của Tùy Văn Đế, có thể xác định: “Đại đức Tuệ Nhã pháp sư” và “Đại đức Trí Năng” là 2 trong số 30 sa môn được Tùy Văn Đế cử về địa phương, còn Khương Huy và Lý Đức Kham là 2 “tản quan” tháp tùng.[4]

Bên cạnh đó, việc nắp bia và bia được kết dính bằng một chất đặc biệt cũng được phát hiện tại Trung Quốc. Sự thống nhất trong nội dung minh văn với các tấm bia tìm được tại Trung Quốc cũng như sự trùng khớp thông tin (ngày 15 tháng 10 năm 601, xây tháp tại chùa Thiền Chúng ở Giao Châu) với các tư liệu khác như “Quảng hoằng minh tập” và “Cảm ứng lục” có thể khẳng định: Tấm bia vừa được tìm thấy tại Bắc Ninh chính là minh văn “Nhân Thọ xá lợi tháp” được khắc cùng với sự kiện xây dựng tháp xá lợi tại chùa Thiền Chúng ở Giao Châu năm 601[4].

Chùa Thiền Chúng là cái tên "mới" xuất lộ trên văn bia này. Tại chùa Huệ Trạch (làng Xuân Quan) chỉ có bia đá năm Chính Hoà thứ 20 (1699) bốn mặt là cổ nhất, nội dung ghi “Huệ Trạch tự tôn tạo hồng chung các thanh bi ký”, không ghi gì về chùa Thiền Chúng xưa[3]. Thiền uyển tập anh (quyển Hạ) có ghi về một chùa mang tên là “Thiền Chúng” như sau:

Thiền sư Định Không (? - 808) ở chùa Thiền Chúng, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức

Thế nhưng ở phần ghi chú cuối trang lại ghi: "Cảm ứng xá lợi ký" do Vương Thiệu viết vào cuối năm 601 dẫn trong “Quảng hoằng minh tập” có ghi chùa Thiền Chúng như là nơi dựng tháp rước xá lợi vào năm đó tại Giao Châu. “Thiền uyển tập anh” nói dựng tháp nơi chùa Pháp Vân, có lẽ hợp lý hơn[5]. Như vậy đến khi đào được bia này có thể nói rằng đã tồn tại việc dựng tháp, rước xá lợi tại chùa Thiền Chúng ở thôn Xuân Quan chứ không phải tại chùa Pháp Vân như "Thiền uyển tập anh" phỏng đoán. Chùa Thiền Chúng ghi trong bia mộ tháp được xây dựng từ đó, sau khi bị đổ nát quá lâu ngày nên đã bị lãng quên trong lịch sử và sau này chỉ còn được biết đến với tên mới là chùa Huệ Trạch.